Nuôi loài cá háu ăn, anh nông dân thu lãi "khủng"
Nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, anh Nguyễn Văn Nguyên ở Hà Tĩnh đã tìm hiểu và xây dựng mô hình thả nuôi cá lóc. Sau 4 năm, anh Nguyên đã gặt hái "quả ngọt".

Anh Nguyễn Văn Nguyên (SN 1976, trú tại xã Lưu Vĩnh Sơn,
huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết, năm 2018, nhận thấy nhu cầu của
thị trường ngày càng lớn, anh đã tìm hiểu và đầu tư hàng trăm triệu
đồng xây dựng mô hình nuôi cá lóc, với 2 hệ thống
hồ có tổng diện tích 4.000m2. Trong đó có 3 hồ xây bằng bê tông và
một hồ đất.
"Trước khi nuôi, tôi cũng đã tìm hiểu và nghiên cứu khá kỹ về
loài cá này. Đây là loài cá ít nhiễm bệnh, dễ chăm sóc, hiệu quả
kinh tế cao", anh Nguyên cho biết.
![]() |
Anh Nguyên cho biết, cá lóc là loài ít nhiễm bệnh, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Xuân Sinh). |
Sau khi chuẩn bị đầy đủ về ao hồ cũng như kỹ thuật nuôi,
giữa năm 2018, anh Nguyên nhập con giống từ miền Nam về, mỗi vụ thả
trên 15.000 con. Cá được thả 2 lứa/năm, với mật độ 100-140 con/m2.
Cứ sau mỗi tháng, anh Nguyên phân cỡ cá một lần, tách con lớn, con
nhỏ nuôi riêng để cá phát triển đồng đều. Sau khoảng 4-5 tháng là
cá có thể xuất bán, với trọng lượng đạt từ 0,7kg đến hơn
1kg.
Theo anh Nguyên, nuôi cá lóc không khó, chỉ cần 1-2 vụ đầu là
cơ bản nắm vững được kỹ thuật. Cá nuôi trong bể xi măng có mái che
giúp kiểm soát được nhiệt độ, thức ăn, nguồn nước nên sinh trưởng
và phát triển tốt; tỷ lệ hao hụt thấp (khoảng 1%). Tuy nhiên, để cá
phát triển thì nguồn nước 2 ngày phải thay một lần và luôn bảo đảm
môi trường sạch, mát.
"Một vài vụ đầu, do còn thiếu kinh nghiệm nên tỷ lệ cá trong
hồ nuôi của tôi bị mắc bệnh, chết khá nhiều. Sau đó, qua mỗi vụ thì
tôi dần đúc rút được kinh nghiệm", anh Nguyên nói.
Cũng theo anh Nguyên, trong quá trình chăn nuôi cần phải
thường xuyên theo dõi tình trạng đàn cá. Ở tháng thứ 2 là
thời điểm cá sinh trưởng mạnh nên dễ phát sinh một số bệnh như xuất
huyết, lở loét, nấm. Do đó, cần sớm phát hiện bệnh để có những biện
pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời, hợp lý, định kỳ bổ sung vitamin
C, men tiêu hóa vào thức ăn của cá. Thức ăn cho cá lóc cũng đa dạng
như cá tạp, ốc, bột bắp, bột đậu nành…
Với kinh nghiệm 4 năm nuôi cá lóc trong bể xi
măng, anh Nguyên đánh giá: "Nuôi cá trong bể xi măng tuy
không sinh trưởng nhanh bằng trong ao hồ tự nhiên nhưng có thể chủ
động được nguồn nước, đồng thời xử lý nhanh các trường hợp bệnh tật
nên ít khi rủi ro. Đặc biệt là không cần diện tích lớn, có thể tận
dụng đất trống quanh nhà để xây bể nuôi. Còn nuôi cá lóc trong ao
hồ bằng đất thì cá phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, khi cá bị nhiễm
bệnh thì xử lý khó khăn hơn. Mỗi mô hình có những ưu và nhược điểm
khác nhau. Tôi đang nuôi cá lóc song song cả bằng bể xi măng và
bằng hồ đất".
Từ năm 2019, trung bình mỗi lứa, anh Nguyên xuất bán hơn 10
tấn cá lóc thương phẩm với giá bán từ 30.000-40.000 đồng/kg. Sau
khi trừ chi phí, bình quân anh Nguyên thu lãi 200-300 triệu
đồng/năm. Hiện nay, cá lóc thương phẩm được tiêu thụ rộng rãi cả
trong và ngoài tỉnh.
Ông Bùi Công Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn đánh giá,
mô hình nuôi cá lóc của anh Nguyễn Văn Nguyên đã góp phần đa dạng
hóa sản phẩm, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa
phương. Từ mô hình của anh Nguyên, người dân có thể nghiên cứu học
tập, nhân rộng để nâng cao thu nhập cho gia đình, đặc biệt là những
hộ không có nhiều đất canh tác.
Theo Xuân Sinh/ Dân Trí
Bạn đang xem: Nuôi loài cá háu ăn, anh nông dân thu lãi "khủng"
Chuyên mục: Kinh doanh
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/nuoi-loai-ca-hau-an-anh-nong-dan-thu-lai-khung-1779793.html
Chia sẻ bài viết