Giá thịt lợn thất thường: Điều hành tù mù?
Theo các chuyên gia, giá thịt lợn liên tục rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn trong thời gian qua đang khiến người chăn nuôi kiệt quệ, rời bỏ thị trường.

Để xảy ra tình trạng này, nguyên nhân chính do việc dự báo
cung cầu của cơ quan chức năng chưa sát với thực tế, dẫn tới điều
hành... tù mù và lúng túng trong sản xuất.
Nắm bắt tình hình yếu
Từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi liên tục trải qua các cung
bậc cảm xúc khi giá thịt lợn biến động thất
thường. Từ đầu tháng 7, giá lợn hơi tăng cao, có thời điểm
chạm mốc 75.000 đồng/kg giúp người chăn nuôi “thở phào” sau một
thời gian dài giá lao dốc. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, giá lợn
hơi đảo chiều, giảm liên tục, từ tháng 10 đến nay có thời điểm giá
lợn hơi xuống còn 50.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó
Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, giá thịt
lợn liên tục giảm trong thời gian gần đây do nguồn tiêu thụ
giảm trên cả nước. Ngoài ra, do ảnh hưởng của lạm phát, hoạt động
sản xuất gặp khó khăn, nhiều DN giảm giờ làm, thậm chí phải cắt
giảm số lượng lớn công nhân. Chi tiêu của người dân thắt chặt hơn
cũng khiến nhu cầu tiêu thụ thịt giảm.
![]() |
Giá lợn hơi biến động thất thường khiến nhiều hộ chăn nuôi bỏ nghề. |
Theo ông Trọng, với tổng đàn lợn mà Cục Chăn nuôi (Bộ
NN&PTNT) công bố khoảng 28,6 triệu con tính đến cuối tháng 10
(tăng khoảng 13,6% so với cùng thời điểm năm 2021), sản lượng không
phải dư thừa quá lớn để giá thịt lợn giảm mạnh. Chưa kể, dù tổng
đàn lợn tăng nhưng số lượng thịt cung cấp ra thị trường còn phụ
thuộc vào số lợn nái và lợn thịt đến kỳ khai thác.
“Với chu kỳ khai thác của lợn khá dài, khoảng 13 tháng mới có
sản phẩm. Việc giá lợn liên tục biến động chủ yếu do không kiểm
soát được nguồn cung dẫn đến sản xuất không sát với thực tế. Đến
thời điểm này, ngành chăn nuôi đã phải có số liệu chi tiết về tình
hình cung cầu, giá bán, các loại lợn…của tháng 10, nhưng đến giờ số
liệu cuối tháng 7 vẫn chưa rõ, dẫn đến công tác tái đàn lúng túng,
khó kiểm soát”, ông Trọng cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho
biết, hiện cả nước có 16 DN chăn nuôi lợn quy mô lớn với số lượng
lợn cung cấp ra thị trường đạt gần 6 triệu con, chiếm hơn 20% tổng
đàn. Thời gian qua, thị trường chăn nuôi chứng kiến sự cạnh tranh
khốc liệt giữa các DN. Nhiều DN liên tục mở rộng sản xuất, tăng tái
đàn và không ít đơn vị mới nhảy vào thị trường. Tuy nhiên, việc cơ
quan Nhà nước không nắm được nguồn cung thực tế, thống kê không
chính xác dẫn tới dự báo chưa sát, phải chạy theo thị trường.
Theo ông Dương, Luật Chăn nuôi hiện quy định Bộ Công Thương và
Bộ NN&PTNT phải công bố công khai giá các sản phẩm chăn nuôi,
và dự báo được tình hình cung cầu hàng tháng, hàng quý cũng như
diễn biến chung của thị trường. Công tác thống kê nguồn cung trong
nước có Tổng cục Thống kê và Cục Chăn nuôi. Còn nguồn cung nhập
khẩu có Cục Thú y và Tổng cục Hải quan phụ trách. “Số liệu giữa các
đơn vị hiện chưa thống nhất, mỗi bên nói kiểu dẫn tới điều hành tù
mù”, ông Dương nói.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong 4 năm qua, do ảnh hưởng của
dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, cộng thêm giá
thịt lợn thất thường đã khiến số lượng hộ chăn nuôi giảm từ 4 triệu
hộ xuống còn 2 triệu hộ. Không ít mô hình chăn nuôi nông hộ, trang
trại nhỏ lẻ bị xoá sổ, không trụ được trước biến động của thị
trường.
Thúc đẩy tiêu thụ
Trước tình trạng giá thịt lợn tiếp tục giảm mạnh, mới đây Phó
Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với
Bộ Công Thương và các cơ quan triển khai các giải pháp phù hợp nhằm
phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là
trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho
người chăn nuôi, trong đó có đề xuất xuất khẩu thịt lợn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng
Cục Chăn nuôi cho rằng, câu chuyện giá cả thịt lợn biến động thời
gian qua chủ yếu do thị trường quyết định. Cục Chăn nuôi chỉ quản
lý về vấn đề an toàn sinh học, khuyến cáo về hoạt động sản xuất,
lưu thông, phân phối…
Về xuất khẩu thịt lợn, ông Thắng cho biết, Bộ NN&PTNT đang
tính toán cụ thể cung cầu để cân đối trong thời gian tới. Ông khẳng
định, đơn vị trao đổi thường xuyên với Trung Quốc về đàm phán xuất
khẩu thịt lợn chính ngạch và tiến độ tốt.
Theo ông Thắng, chúng ta không thể cùng một lúc đàm phán xuất
khẩu nhiều mặt hàng. “Tinh thần chúng ta muốn xuất khẩu, nhưng họ
chưa chấp nhận nên không thể sốt ruột. Trong một loạt mặt hàng, họ
chỉ ưu tiên mặt hàng cấp bách trước”, ông Thắng nói.
Liên quan đến việc dự báo cung cầu thịt lợn, ông Thắng thông
tin, Cục Chăn nuôi đã bắt đầu triển khai và ứng dụng công nghệ số
vào để thống kê. Thống kê ra sao, giúp người dân áp dụng hiệu quả
phải...từ từ.
Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, vấn đề nữa là
giá bán hiện nay, người chăn nuôi hầu như không có lãi. Do đó, các
đơn vị cần tìm nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nhằm nâng giá lên,
giúp người chăn nuôi có lợi nhuận, đảm bảo duy trì sản xuất ổn
định.
Theo ông Dương, năm 2017, Việt Nam đã khởi động đàm phán với
Trung Quốc để xuất khẩu thịt lợn chính ngạch, nhưng từ năm 2019,
khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, hai bên đã tạm dừng. Hiện, các
DN đầu tư nhiều mô hình chăn nuôi hiện đại, đáp ứng các yêu cầu,
tiêu chuẩn. Nếu xuất khẩu được thịt lợn là giải pháp hiệu quả nhất,
lâu dài cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần chủ
động, đẩy nhanh tiến độ.
Theo Dương Hưng / Tiền Phong
Bạn đang xem: Giá thịt lợn thất thường: Điều hành tù mù?
Chuyên mục: Kinh doanh
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/gia-thit-lon-that-thuong-dieu-hanh-tu-mu-1780707.html
Các bài liên quan
Chia sẻ bài viết